Lịch sử Bảo_tàng_Lịch_sử_Việt_Nam_(Thành_phố_Hồ_Chí_Minh)

Ngày 18 tháng 2 năm 1927, nhà sưu tầm cổ vật Holbé qua đời, để lại nhiều cổ vật trị giá 45.000 đồng bạc Đông Dương (là một số tiền lớn lúc bấy giờ).

Để mua lại số cổ vật này, ngày 17 tháng 6 năm ấy, Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes I Indochinoises, kể từ đây có khi gọi tắt là Hội)[2] đã tổ chức một cuộc họp bất thường, và cuối cùng đi đến quyết định là: xin 5 hội viên hảo tâm cho mượn trước số tiền trên, đồng thời xin phép chính quyền cho mở cuộc lạc quyên số tiền ấy trong dân chúng (để trả lại), với cam kết là sẽ tặng lại nhà nước số cổ vật sau khi mua xong.[3]

Sau khi hoàn tất công việc trên, để có chỗ gìn giữ và trưng bày số di vật của Holbé vừa mua được, cùng với nhiều cổ vật khác mà Hội đã có (nhờ thu mua hay được tặng), Hội đã đề nghị với chính quyền xây dựng Bảo tàng, và xin dành cho Hội một phòng làm trụ sở và thư viện của Hội (chứa trên 5.000 tác phẩm chuyên khảo về Đông Dương và Viễn Đông bằng các thứ tiếng).

Thuận theo đề nghị, ngày 28 tháng 11 năm 1927[4], Thống đốc Nam KỳBlanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Pacha Đa Lagos (kể từ đây có khi gọi là Bảo tàng) ở Sài Gòn, đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính quyền Nam Kỳ, và thuộc quyền kiểm soát khoa học của Viện Viễn Đông Bác cổ.

Ngày 8 tháng 6 năm 1928, viên Bảo thủ văn thư của Hội là Jean Bouchot được cử làm Giám thủ đầu tiên của Bảo tàng.[5] Và ngày 1 tháng 1 năm 1929, chính quyền Nam Kỳ đã long trọng khánh thành Bảo tàng Pacha Đa Lagos[6]

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Việt Nam chính thức phục hồi nền độc lập sau gần 100 năm Pháp thuộc. Ngày 20 tháng 10 năm ấy, Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra nghị định đổi tên các Học viện, Thư viện và Bảo tàng. Theo đó, Bảo tàng Phacha Đa Lagos được đổi tên là Gia Định Bảo tàng viện [cần dẫn nguồn]. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết vì ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp đã tái chiếm Sài Gòn.

Đến ngày 14 tháng 6 năm 1954, Bảo tàng được Bộ Quốc gia Giáo dục của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tiếp thu trọn vẹn, sau khi 3 chuyên gia người Pháp rút về nước [6].

Ngày 16 tháng 5 năm 1956, theo nghị định 321-GD/NĐ, đổi tên Bảo tàng là Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.[7] Ngày 3 tháng 9 năm 1958, Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bảo tàng được Chính quyền Cách mạng tiếp thu nguyên vẹn. Sau đó, vào ngày 26 tháng 8 năm 1979), ngành chức năng đã cho đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2013 đổi lại tên Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh như quyết định thành lập ban đầu.

* Các Giám đốc Bảo tàng (từ 1929 đến nay):

  • Jean Bouchot: 1928 - 1932
  • Louis Malleret: 1932 - 1948
  • Pierre Dupont: 1948 – 1950
  • Bernard Groslier: 1951 - 1954
  • Vương Hồng Sển: 1956 - 1964
  • Nguyễn Gia Đức: 1964 - 1969
  • Nghiêm Thẩm: 1969 - 1975
  • Lâm Bỉnh Tường: 1975 - 1978
  • Lê Trung: 1978 - 1984.
  • Trần Văn Triệu: 1984 - 1986
  • Lê Trung: 1986-1998.
  • Trịnh Thị Hòa: 1998 - 2005
  • Trần Thị Thúy Phượng: 2005 - 2013
  • Hoàng Anh Tuấn: 2013 đến nay.